Có phải tất cả mỹ phẩm đều là kẻ thù của bà bầu?
Admin
26/02/2019 11:12:00
Nếu bạn vẫn mua mỹ phẩm ở những siêu thị lớn, những thương hiệu uy tín, những cửa hàng phân phối chính hãng, thì có thể yên tâm mà dùng.
Trong siêu thị luôn có quầy mỹ phẩm, nó thường được để kế bên quầy xà phòng, bột giặt, nước rửa chén v.v.., gọi chung là gian hàng “Hóa mỹ phẩm”. Không biết có phải chữ “hóa” này gợi ngay đến “hóa chất”, cho nên nhiều người, đặc biệt là phụ nữ mang thai, ngay lập tức có cảm giác cần phải tránh xa những sản phẩm này, coi tụi nó y chang một bầy “gian thần” đang toan tính âm mưu hãm hại “long thai”.
Bà bầu thường có xu hướng kiêng khem đủ thứ hết, từ ăn uống, vận động, cho tới làm đẹp. Với quan điểm “kiêng nhầm còn hơn bỏ sót”, nhiều bà bầu quyết tâm giã từ tất cả những sản phẩm được cho là thiết yếu nhất với con người ở cuộc sống văn minh, tức là không chỉ bỏ son phấn, mà thậm chí có những người còn bỏ cả kem dưỡng, dầu gội, sữa tắm... cứ cái gì mà thấy đóng chai từ các nhà máy đi ra là tẩy chay toàn bộ.
Thực ra thì, chính những người “nhẹ dạ” - dễ bị dọa nạt bởi các quan điểm vu vơ như “Ê ê, xài cái này ung thư đó má”, “Đừng gội cái đó toàn hóa chất đó” v.v.. thì cũng là những người “cả tin” - dễ bị dụ dỗ bởi những sản phẩm lang băm không rõ nguồn gốc, kiểu như “À đây nè, bà cô họ của đứa hàng xóm nhà bạn thân tao xài cái kem gia truyền abc này nè, nó tốt lắm”, rồi “Hotgirl xyz trên mạng mang thai mà vẫn xinh lung linh là nhờ xức cái thuốc kia kìa” v.v..
(Ảnh: thehill)
Vậy bạn biết được thông tin mỹ phẩm độc hại là từ đâu? Từ những báo cáo khoa học được phát đi trên những kênh chính thống? Hay những lời rỉ tai nhau trong buổi tâm sự cuối giờ làm? Liệu bạn có phải là nạn nhân của những tin tức giả mạo được lan truyền đầy rẫy trên mạng xã hội?
Sự thật là, các cơ quan quản lý mỹ phẩm ở Việt Nam, cụ thể là Bộ Y tế, làm việc nghiêm túc hơn bạn tưởng. Cho nên, nếu bạn vẫn mua mỹ phẩm ở những siêu thị lớn, những thương hiệu uy tín, những cửa hàng phân phối chính hãng, thì có thể yên tâm mà dùng. Còn nếu bạn vốn có thói quen mua mỹ phẩm ở chợ đêm, ở cửa khẩu, mỹ phẩm “made in Đồng Xuân”, thì tất nhiên có bầu phải dừng lại luôn đi. Mà kể cả không có bầu thì cũng ngừng luôn.
Đi sâu hơn vào chi tiết thành phần của sản phẩm thì, có một số thành phần trong mỹ phẩm, vốn khá lành tính đối với cơ địa người bình thường, nhưng sẽ không thích hợp dùng khi mang thai. Một số thành phần tiêu biểu như vậy là nhóm retinoid, BHA, và tinh dầu nguyên chất.
- Nhóm retinoid là một dạng dẫn xuất của vitamin A, thường có trong một số loại kem trị mụn (nhất là kem dùng cho mụn ẩn), và mỹ phẩm chống lão hóa, mờ nếp nhăn. Khi có bầu thì các chị em chỉ cần tạm ngưng thành phần này, đổi sang các thành phần khác an toàn hơn, ví dụ như nhóm beta-carotene hoặc lycopene (cũng là một dạng dẫn xuất của vitamin A).
- BHA thì là acid có nguồn gốc từ thực vật, thường có mặt trong các sản phẩm trị mụn đầu đen, tẩy tế bào chết, làm sạch lỗ chân lông. BHA có tác dụng gần giống như aspirin, có dược tính, không nên tự ý sử dụng khi mang thai.
- Tinh dầu nguyên chất thì cũng là cái đáng chú ý. Vì nhiều bà bầu nghĩ rằng mang thai phải tránh hương liệu tổng hợp, vậy muốn “thơm” thì dùng tinh dầu từ hoa cỏ cho “an toàn”. Nhưng ở nồng độ đậm đặc, tinh dầu cũng giống như một loại thuốc, mùi hương mạnh mẽ của nó có thể ảnh hưởng đến huyết áp, gây hưng phấn hoặc làm tụt huyết áp… Nhưng mà nếu mỹ phẩm bạn đang dùng có sử dụng tinh dầu nguyên chất chỉ với mục đích tạo hương thơm cho sản phẩm, thì lúc này tinh dầu nằm ở nhóm cuối cùng trong bảng thành phần, tức là chiếm tỷ lệ tinh dầu khá thấp, nhìn chung là không đáng quan ngại.
(Ảnh: harpersbazaar)
Tất nhiên, sẽ có nhiều bà bầu đọc đến đây là thấy “lùng bùng hoa mắt”, ngày xưa học môn Hóa dở ẹc thì làm sao dám tự tin săm soi bảng thành phần toàn viết bằng tiếng Latin nhỏ xíu trên sản phẩm. Vậy hãy nhớ lại câu nói kinh điển của các cụ thế này: “Không biết thì phải hỏi – Muốn giỏi thì phải học”.
Xung quanh bạn còn rất nhiều nguồn thông tin để bạn hỏi. Bạn hỏi “Mang bầu thì dùng dầu gội hãng A được không, kem dưỡng hãng B được không?”, sẽ không ai cười bạn như kiểu bạn hỏi “Canh cua thì nấu với rau gì?” đâu. Hãy hỏi một người bạn, một người thân mà bạn cho rằng họ có kiến thức vững vàng về mỹ phẩm. Nếu không quen ai như vậy, bạn có thể hỏi trong các diễn đàn làm đẹp, làm mẹ nghiêm túc. Bạn cũng có thể hỏi các blogger làm đẹp đã có kinh nghiệm bỉm sữa, các chị/các bạn ấy vẫn thường xuyên trả lời thắc mắc của cộng đồng mà. Và nếu muốn có câu trả lời chính thống hơn, hãy mang mỹ phẩm của mình (có nguyên vỏ hộp ghi bảng thành phần) đến hỏi ý kiến của bác sĩ. Bạn cũng có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn chọn những sản phẩm an toàn với bà bầu.
Khi mang bầu, bạn cũng đã dành rất nhiều thời gian để học hỏi những kiến thức chăm sóc thai nhi rồi. Ở các lớp thai giáo, tiền sản, hãy hỏi thêm về kiến thức dưỡng da, vệ sinh thân thể cho chính mình. Xung quanh bạn có rất nhiều bà bầu xinh đẹp, hãy coi họ là sư phụ của mình. Hãy bớt thời gian coi mấy cái video đánh ghen hay bóc phốt khẩu nghiệp, dùng thời gian đó để thực sự đọc những bài viết về cách chống nắng, cách trị mụn, cách ngừa rạn da cho bà bầu thì chẳng mấy chốc, bạn sẽ trở thành một bà mẹ thực sự thông thái.
Xem thêm: Chăm sóc da trong khi mang bầu và sau khi sinh
Nguồn: Thu Lành Nguyễn
Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?
Công thức mặt nạ ủ môi vô cùng hiệu quả cho mùa đông năm nay
Chỉ với một vài thành phần quen thuộc, bạn có thể tạo ra hũ mặt nạ ủ môi siêu mềm mọng và dưỡng ẩm hiệu quả cho đôi môi trước khi đón Tết.
-
Hết Đau Rát Cổ Họng Trong 7 Ngày Với Hũ Thần Kỳ Này!
-
Son dưỡng có màu, khéo léo giao thoa giữa dưỡng chất từ thiên nhiên và sắc màu nữ tính