Nhật ký khu dã chiến: Nhìn người bệnh mà thương đứt ruột đứt gan
Admin
16/08/2021 08:41:00
Đồng hồ đã 1 giờ sáng. Sáng giờ mình chưa ăn gì rồi uống vội hộp sữa và nằm xuống, đêm đó mình thức tới sáng vì suy nghĩ...
Thế là cuối cùng mình cũng đã nhận nhiệm vụ lên đường cùng mọi người tham gia chống dịch. Nơi mình đặt chân đến được gọi là khu cách ly F0 trong 1 trường tiểu học sức chứa 100 bệnh. Nói là khu cách ly nhưng thực ra nó dành để điều trị cho đối tượng F0 có NC0-1-2 tại tuyến cơ sở. Được biết đã hơn 10 ngày rồi nơi đây chỉ có 1 bạn điều dưỡng, nằm ngủ tại hành lang, ai bị gì thì xin thuốc nấy, còn lại tự chăm sóc nhau là chính.
Buổi sáng đầu tiên khám bệnh, mình sốc và thương bệnh nhân kinh khủng. Gia đình, vợ chồng, con cái, bạn bè làm chung, những người lớn tuổi đi một mình đùm túm nhau trong các phòng học được trưng dụng, người nằm đất, người kéo bàn học nằm, có em bé chỉ 3 tháng tuổi.
Sau khi khám và sàng lọc bệnh xong, 80% các bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ và ổn định. Số còn lại người bệnh nền, HA đang ở ngưỡng 170/110mmHg, người SpO2 giảm dưới 90%. Sờ đến thuốc thì thiếu thuốc, sờ đến oxy chỉ có bình không có dây không có đồng hồ làm mình sốc lần 2. Rồi gọi điện xin ở các điểm và nhờ người qua lấy về, xin điều phối thêm bình oxy, xin mask túi. May mắn hôm đó bệnh nhân đã kịp ổn.
Rồi nhìn lại, cho bệnh nhân thở oxy dưới tầng trệt. Vì không thể kéo bình oxy lên lầu đến từng phòng bệnh, tầng trệt không có chỗ cho bệnh nhân nằm, các bác các cô phải ngồi ở ghế đá để thở oxy, lại xin số điện thoại của người phụ trách trên quận xin giường xếp. Mới đầu, các anh nói rất khó vì không có ngân sách cho việc mua giường để bệnh nhân nằm, năn nỉ mãi chưa đâu vào đâu mình đã lấy 2 giường xếp dành cho bác sĩ và điều dưỡng cho 2 người có tình trạng mệt nhất nằm. Xác định thôi có mệt thì nằm đất cũng được. May sao tối đó quận mang xuống 4 giường xếp, thế là bệnh nhân có chỗ nằm đàng hoàng để thở oxy rồi. Mừng hết lớn.
5 ngày đầu tiên đúng nghĩa là những ngày tay không bắt giặc và mò đường. Lên danh sách theo dõi bệnh nhân thì có tới 2/3 người đã vô từ 14 ngày rồi chưa PCR lần 2, có cả 1 bạn vô 28 ngày cũng chưa làm lại PCR. Liên hệ bệnh viện quận nói liên hệ người phụ trách của phường đó, xin được số điện thoại của người phụ trách thì gọi không nghe máy, nhắn tin không trả lời đủ cả. Rồi cũng không biết mình có được test nhanh không nữa, lại đề xuất tiếp. Còn khi nào được test thì lại tiếp tục chờ.
Đêm, bệnh nhân gọi, lật đật chạy lên SpO2 chỉ còn 78%, NT30, M121, HA150/90mmHg. Mình vội vàng nhờ người đưa bệnh nhân xuống sử dụng Methyl pred16 và cho thở canula không lên nổi 84, mask túi lên 90 mừng thầm trong bụng, đến khi ngưng oxy tụt lại còn 78-82%, xin ý kiến cho BN chuyển đi thì trên đã full giường tiếp tục theo dõi và chờ đợi. May mắn đến sáng thì bệnh nhân đã ổn định. Thương đứt ruột đứt gan...
Khi mọi thứ đã gần như ổn định, 11h đêm mình nhận được lệnh chuyển điểm sang nơi khác, có 200 bệnh nhân và hiện cũng chỉ có một người. Ừ, thôi thì nhiệm vụ rồi, sắp xếp đồ đạc, sáng hôm sau lên đường sớm.
Tại điểm mới mình sốc lần 3 vì không khác gì một bãi rác. Đồ bảo hộ, kính, chiếu vứt một đống dưới nền nhà bụi bẩn, thuốc men mỗi chỗ một thứ, bỏ vali xuống và dọn dẹp tới 9 giờ sáng, pha mì tôm ăn và bắt đầu xem tình hình. Thực sự khó khăn hơn rất nhiều so với bên kia vì nơi đây đông bệnh, rộng lớn, bệnh nhân rải rác 2 dãy nhà 3 tầng, Bác sĩ độc hành một mình, không có điều dưỡng hỗ trợ, dân quân và công an phường thì ở ngoài cổng, không hỗ trợ phía trong như điểm cũ. Xem xét qua tình hình bệnh, phân tầng bệnh và xem lại vật tư, khoảnh khắc ấy mình ngồi thừ người ra vì không biết phải bắt đầu từ đâu, loa không có, group zalo chung của BN k có, máy tính không có, danh sách bệnh nhân trong tay không có. Rồi tự trấn an mình, sẽ làm được.
Mình đi từng phòng, kiểm tra và hỏi bệnh, cho số điện thoại Zalo nhờ bệnh nhân báo thông tin để tổng hợp. Hết một ngày mình mới có thể nắm hết được bệnh nhân của mình như thế nào. Gần 20 bệnh lý nền như THA, ĐTĐ type II, ung thư, suy thận, có bác không có người nhà đi cùng, 2-3 ngày nay chưa ăn được gì, thực sự đây là trường hợp khiến mình nhớ nhất. Bác 64 tuổi, THA, ĐTĐ type II, DCTBMMN, là thương binh đã mất gần hết các ngón tay. Thời điểm mình đến, bác đang bị tiêu chảy 2 ngày, sốt 39 độ, HA 160/90mmHg, SpO2 82%, cho hạ áp, hạ sốt, men+smecta và thở oxy ẩm 5l. Nhìn bác mệt mỏi, run rẩy nằm dưới ghế đá, không có người thân đi cùng, mình hiểu lòng bác tủi thân như thế nào. Pha Oresol cam cho bác uống và ngồi nói chuyện với bác, thực sự hôm đó mình đã lén khóc. Khóc vì mình thấy bố mẹ mình trong hình ảnh ấy, khóc vì thương cảm cho biết bao người cha, người mẹ trên đất nước này đang phải chống chọi với con Virus quái ác trong cô đơn, không biết bám víu vào đâu. Mình lấy cháo cho bác ăn nhưng bác không ăn được, vào phòng lấy sữa mang ra cho bác uống tạm, 2 bác cháu cứ người nằm kẻ ngồi cho tới đêm khi SpO2 đạt ngưỡng 92 mình cho bác nghỉ và đưa bác về phòng, dặn dò người trong phòng quan tâm tới bác hơn và báo ngay nếu bác thấy khó thở hay mệt nhiều hơn. Chưa kịp quay đi thì bác gái gọi điện Zalo muốn gặp bác sĩ, nhìn bác khóc lóc trong điện thoại xin chuyển bác trai đi mình hiểu lòng người nhà đang rối bời như thế nào, bởi ngay cả chính mình nếu là người trong cuộc cũng sẽ như vậy. Sau khi giải thích và động viên bác, trấn an tinh thần bác gái xong mình xuống cởi đồ bảo hộ ra và đi tắm. Đồng hồ đã 1 giờ sáng. Sáng giờ mình chưa ăn gì rồi uống vội hộp sữa và nằm xuống, đêm đó mình thức tới sáng vì suy nghĩ...
Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?
Dưỡng tóc mùa hanh khô với dầu squalane
Nếu bạn vẫn đang loay hoay tìm một công thức dầu dưỡng ẩm mượt nhưng không bết nặng tóc, thì hãy tham khảo dầu squalane.
-
Hết Đau Rát Cổ Họng Trong 7 Ngày Với Hũ Thần Kỳ Này!
-
Son dưỡng có màu, khéo léo giao thoa giữa dưỡng chất từ thiên nhiên và sắc màu nữ tính