Banner top danh mục

Điểm danh những cô nàng da nâu

Admin
29/06/2019 09:16:00

Mỗi ngày, cứ mở Facebook ra là thấy các clip quảng cáo tắm trắng. Nào là tắm đến đâu trắng đến đó, minh họa hai cái chân đen đen, bôi bôi trét trét rồi xối xối rửa rửa xong trắng phau phau như khúc chân giò sắp cho vào nồi nấu cháo.

 

Nếu H'Hen Niê cũng dành cả thanh xuân để tắm trắng, có lẽ hai tiếng “Việt Nam” sẽ không được cất lên ở top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới. Còn những người trước đó chê cô ấy “đen đen bẩn bẩn” thì giờ này... à mà thôi! 

Trong một số các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam, thường có một giải phụ là “Thí sinh có làn da đẹp nhất”. Người thắng giải phụ đó thường có làn da sáng màu, đúng theo tiêu chuẩn cái đẹp Việt Nam. Còn với đấu trường quốc tế thì dường như họ chẳng ghi được dấu ấn gì hết. Người châu Á thích da trắng, người Âu Mỹ khao khát có được làn da nhuộm màu caramel. Chuyện này chắc nhiều người đã biết nhưng sâu xa nguyên nhân vì sao thì lại không mấy ai giải thích. Vậy mình sẽ suy đoán dựa theo một số thông tin mà mình đọc được.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, xưa ơi là xưa, người châu Âu cũng thích da trắng như tượng, vương tôn quý tộc cũng trang điểm trắng bệch như diễn tuồng, thậm chí trào lưu dùng thủy ngân để làm trắng da cũng bắt nguồn từ hoàng gia châu Âu mà ra (thủy ngân là cụ tổ của kem trộn ngày nay đó mấy bạn). Cho đến tận thời hiện đại, khoảng đầu thế kỷ 20, người Tây mới bắt đầu có thú vui là đi qua các nước nhiệt đới du lịch. Cách để khoe khoang rằng nhà có điều kiện, mới đi nghỉ mát về, không có gì nhanh hơn là khoe một làn da rám nắng.

Và thế là cơn cuồng da rám nắng bắt đầu “càn quét” các nước Âu Mỹ. Mấy anh đẹp trai sáu múi cũng phải có da nâu. Các cô chân dài ngực khủng càng phải có da nâu. Đứa nào da trắng sứ búp bê sẽ bị coi là lũ đầu to mắt cận suốt ngày chỉ biết ở nhà học hành không biết thế nào là tiệc tùng hưởng lạc. Gia đình nào trắng toát từ đầu tới chân sẽ bị coi là lũ “cà nhuê” chưa bao giờ được biết đi tắm biển là gì. Nước ta có mấy trò phi thuyền tắm trắng thì nước Tây có giường UV tắm nắng, trời mưa bão cả tháng vẫn có da rám nắng sexy. Trong những màn “make-over” - tân trang nhan sắc cho mấy cô cậu kém sắc, ngoài việc cắt tóc tẩy lông còn có thêm cả màn nhuộm da cho đúng chuẩn. Thậm chí, mấy bé gái 6, 7 tuổi tham gia các cuộc thi hoa hậu nhí cũng nhiệt tình nhuộm da để ban giám khảo biết các cháu có tham gia thể dục bơi lội ngoài trời chứ không phải là thiếu nhi cớm nắng.

 

Hoa Hậu H'Hen Niê (Ảnh: saostar)

 

Tất nhiên đó chỉ là chuyện ở trời Tây. Bây giờ đến chuyện trời Ta. Ở Ta thì ngược lại nha, nỗi ám ảnh “trắng, trắng nữa, trắng mãi” vẫn là con gà đẻ trứng vàng của ngành công nghiệp làm đẹp châu Á. Từ Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, người ta vẫn có chung một niềm ước ao được truyền lại từ thời phong kiến: Kìa tiểu thư khuê các cả đời không phải bước ra đồng cấy cày với làn da như tuyết như sương. Ra nắng là khổ, trong nhà là sướng, vậy nên da trắng là sang là đẹp, da nâu là xấu là hèn,... Đến bây giờ, du học sinh Việt Nam còn có một câu bông đùa, đi ra phố ở trời Tây, thấy đứa nào chỉ đi men theo bóng râm thì chắc chắn là người châu Á.

Người Tây nói rằng "da nâu mới sexy", người Á cãi lại “da trắng mặc đồ hở ngực hở eo mới đẹp”. Trai Tây khoái ngắm gái Tây da nâu, và nếu được ngắm gái Á da nâu họ lại càng khoái. Cho nên mấy bạn có thấy, những cô gái gầy gầy cao cao da ngăm ngăm - tóm lại là nhan sắc bị chê bai ở VN - thì lại lấy được những anh chàng Tây 6 múi mặt đẹp như nam thần làm chúng ta ghen tỵ. Mà ghen tỵ làm cái gì nếu chúng ta không được sở hữu làn da bánh mật như các cô ấy.

À, tất nhiên, đó cũng lại là chuyện của đàn ông Tây. Đàn ông châu Á lại chỉ thích gái Á da trắng thôi. Chuyện “bất bình đẳng” này đến từ một tâm lý thâm căn cố đế của đàn ông châu Á: Thích phụ nữ “còn trinh”! Cái làn da trắng gắn liền với “thương hiệu” của cô tiểu thư khuê các mấy trăm năm trước vẫn ám ảnh tâm lý người châu Á, thành ra, dù có lả lơi bikini đến đâu, chỉ cần da trắng thì em vẫn là gái ngoan. 

Quay lại chuyện da nâu. Dù có những người đã coi mấy mùa Victoria's Secret Fashion Show thì họ vẫn cho rằng người Tây da nâu mới đẹp, còn người châu Á da nâu nhìn cứ xấu xấu bẩn bẩn. Đến khi H'Hen Niê rực rỡ như một viên ngọc trai đen tại Hoa hậu Hoàn vũ thì luận điệu đó đã phần nào mất trọng lượng.

Nếu mấy bạn vẫn tự ám ảnh với làn da nâu của mình, hãy rộng lượng với bản thân một chút, hãy nhìn xa hơn đi! Điểm lại những đại diện nhan sắc ấn tượng ở quy mô quốc tế, ở những cuộc thi còn có tầm ảnh hưởng thực sự (chứ không tính những sàn diễn “ao làng”), những cô hoa hậu “da trắng như trứng gà bóc” đều rớt đài. Trước H'Hen Niê, người tạo sức hút mạnh nhất cho thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ ở Việt Nam chính là Phạm Hương, mang chuông đi đánh xứ người cũng với một làn da nâu khỏe khoắn.

Rồi, trước H'Hen Niê và Phạm Hương, có một nàng hậu khác cũng khiến người Việt phải ấn tượng với làn da nâu, đó chính là Trương Thị May. Ngoại hình của cô khiến mình lộng lẫy không thể bị nhầm lẫn với bất cứ cô gái da trắng nào cùng thời và chứng minh rằng làn da nâu cũng không nhất thiết phải là lời tuyên chiến với vẻ đẹp truyền thống. Người ta nhớ tới Trương Thị May như một người đẹp dịu dàng nết na cả về ngoại hình lẫn lối sống, là người ăn chay trường, hướng thiện, và làn da nâu của cô không hề “lệch sóng” khi cô diện lên bộ quốc phục áo dài khoe lên những vẻ đẹp tinh túy nhất của người con gái Việt Nam.

Năm 2014, một đại diện Việt Nam lọt top 25 của Hoa hậu Thế giới. Đây không phải là thành tích xuất sắc vượt trội nhất so với những người trước đó, nhưng cô gái Nguyễn Thị Loan vẫn khiến người hâm mộ Việt Nam phải vỡ òa, bởi vì trước đó cô đi thi không kèn không trống, không huênh hoang rầm rộ nhưng vẫn tự tin tạo dấu ấn với bạn bè bốn phương. Hình ảnh lan tỏa đi khắp các mặt báo năm đó, cũng không phải là một cô hoa hậu da trắng nõn nà miệng cười lỏn lẻn, mà là một cô gái với làn da nâu mịn màng và hình thể săn chắc, mái tóc bồng bềnh.

 

Người mẫu Minh Tú (Ảnh: saostar)

 

Ngay cả ở Hàn Quốc – xứ sở của những loại mỹ phẩm dưỡng trắng – cũng phải thừa nhận vẻ đẹp của làn da rám nắng. Tất cả các Hoa hậu Hàn Quốc những năm gần đây đều chưa thể vượt qua được Honey Lee – người được mệnh danh là Hoa hậu Hàn Quốc đẹp nhất thế giới. Đúng như cái tên của cô, Honey Lee có làn da như mật ong và không bao giờ thấy cô kém nổi bật so với những người đồng nghiệp có làn da trắng như sữa hết.

NẾU BẠN VẪN CÒN NGÀY ĐÊM TRUY TÌM CHO MÌNH LOẠI KEM TẨY TRẮNG BẤT CHẤP HẬU QUẢ VỀ SAU, THÌ TỈNH MỘNG ĐI BẠN!!!

Làm gì có chuyện phải tẩy trắng thì mới có thể đổi đời? Ai nói cứ da trắng thì mới là đẹp? Da xấu là do không chịu khó dưỡng mịn màng, da loang lổ đồi mồi là do không chống nắng, da “bẩn” do không chăm sóc. Mình xấu chủ yếu tại mình. 

Mặc dù bạn có thể nói “Tây thế nào kệ Tây, Hoa hậu thế nào kệ Hoa hậu, tôi vẫn thích da trắng”, thì hãy dừng lại 1 giây để suy nghĩ đã: Liệu có phải là bạn thích làn da trắng thật không hay là bởi vì xung quanh bạn cũng chỉ toàn người thích da trắng nên bạn cũng tưởng là mình thích như vậy? Hãy cứ mở rộng thế giới quan của mình, nhìn ra bức tranh về nhan sắc của thế giới đi, trò chuyện với thật nhiều người nữa đi, để đến chừng nào, trong tầm hiểu biết của bạn, vẻ đẹp da nâu và vẻ đẹp da trắng được ca tụng ngang bằng nhau 50/50, lúc đó bạn mới có thể biết mình thấy thế nào mới là đẹp.

Nói nãy giờ không có nghĩa là mấy nàng da đang trắng như Bạch Tuyết thì phải phơi nắng cho nó đen như bạch tuộc (nám da hết chứ đừng giỡn), mà ở bài này, mình muốn bày tỏ rằng da ngăm có nét đẹp rất riêng của nó. Mấy nàng da ngăm da nâu bẩm sinh phải biết chăm sóc để làn da nâu một cách bóng khỏe và đều màu, giúp phát huy nét đẹp khỏe khoắn, hiện đại, thu hút và đầy gợi cảm.

Chúng ta không nhất thiết phải xóa bỏ quan niệm cái đẹp truyền thống để chạy theo cái đẹp theo tiêu chuẩn phương Tây. Nhưng không yêu xin đừng nói lời cay đắng, bạn trắng đẹp rồi thì cũng đừng chê thậm tệ những người da ngăm. Còn nếu bạn được trời phú cho làn da ngăm bẩm sinh, cũng đừng tự sỉ vả bản thân là “da em xi đèn đèn hay đen xì xì”. Nếu vẫn chưa yêu được màu da hiện có của mình, từ nay, hãy cứ dùng chuẩn từ ngữ đi, là “da nâu, da mật ong'', chứ đừng quen miệng nói là “đen như cột nhà cháy”, “đen như mọi”, “đen như châu Phi”. Có thể dùng mỹ phẩm để cải thiện tông da nhưng đừng để những quan điểm cực đoan tẩy trắng tâm hồn chúng ta.

Nguồn: Bam Bi

 

Bình luận

Bạn cần Đăng nhập để thực hiện bình luận


Loading...

Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?

Video clip làm đẹp
  • Hết Đau Rát Cổ Họng Trong 7 Ngày Với Hũ Thần Kỳ Này!

  • Son dưỡng có màu, khéo léo giao thoa giữa dưỡng chất từ thiên nhiên và sắc màu nữ tính

Thương hiệu uy tín

 

Đang x lý...