Có nên để mặt mộc cho "da được thở"?
Admin
27/07/2019 11:18:00
Mặt mộc ở đây ý là không có bôi cái gì hết luôn, kể cả bôi dưỡng. Như vậy, việc kiêng nhịn này có giúp da “thở” tốt hơn hay không?
Một trong những quan điểm được nhiều người lan truyền khi dưỡng da là “Cũng nhiều lúc phải để mặt mộc cho da được thở cái chứ”. Mặt mộc ở đây ý là không có bôi cái gì hết luôn, kể cả bôi dưỡng. Như vậy, việc kiêng nhịn này có giúp da “thở” tốt hơn hay không? Tui nghĩ chủ đề này sẽ nhiều bạn quan tâm, vì tui thường xuyên nhận được chia sẻ rằng “ban ngày em trang điểm, còn buổi tối em không bôi gì hết, để cho da được thở”. Dễ sợ hông.
Nói trước là con người chúng ta không hô hấp qua da nha mấy bạn. Cho nên từ “thở” ở đây, ý chỉ việc thông thoáng lỗ chân lông á. Da “thở” bình thường, nghĩa là chức năng tiết bã nhờn hoạt động ở mức cân bằng. Lỗ chân lông luôn phải tiết ra một lượng bã nhờn nhất định để duy trì độ ẩm cần thiết cho da. Khi quá ít bã nhờn thì da bị khô, nếu quá nhiều bã nhờn thì da bị dầu và dễ nổi mụn.
Vậy thì để da “thở” tốt, hay còn gọi là tiết bã nhờn tốt, thì chúng ta phải duy trì 3 yếu tố sau:
- Làm sạch đầy đủ
- Giữ cân bằng pH
- Tránh xài mỹ phẩm gây bít tắc lỗ chân lông.
Làm sạch thì ai cũng biết rồi, là để lỗ chân lông thông thoáng. Vậy thì vấn đề “kiêng mỹ phẩm cho da được thở” hôm nay sẽ chỉ bàn đến 2 vấn đề cân bằng pH và các loại mỹ phẩm gây bít tắc lỗ chân lông.
Ok, vậy “cân bằng pH”, giải nghĩa nôm na vầy: Nó thể hiện độ ẩm tự nhiên trên da: pH quá cao tức là da có tính kiềm, dễ bị khô; pH quá thấp tức là da có tính acid, dễ bị nhờn. Chắc mấy bạn sẽ nghĩ là “CÀNG KHÔ CÀNG THOÁNG”, và có bạn nào nghĩ rằng, nếu da mặt nhờn bí thì cứ xài sản phẩm pH cao là da nó khô bớt? Oh no! Khi da thiếu độ ẩm, lỗ chân lông sẽ có phản xạ “thiếu dầu kìa, bổ sung bổ sung”, và thế là da lại càng tiết nhiều bã nhờn hơn!
Sự đời oái oăm vậy nè, chính lúc bạn không thoa bất cứ sản phẩm dưỡng ẩm nào, nghĩ rằng cứ để cho da mặt được “tự thở”, thì nó sẽ “thở sai” ngay lập tức cho coi! Ngược lại, chính bằng cách dưỡng ẩm và sử dụng các loại sản phẩm giúp da cân bằng được độ pH, thì da lại “thở đúng”, cân bằng được việc tiết bã nhờn, hay nói cách khác là “CÀNG DƯỠNG CÀNG THOÁNG”.
Đó là với những trường hợp da đang thiếu độ ẩm nghen. Còn những làn da đang “thừa thãi dầu” thì sao? Trong mỹ phẩm, có những nguyên liệu dưỡng ẩm khá “mưu mẹo”, dầu dưỡng là một ví dụ. Khi thoa một lượng vừa đủ lên da, dầu sẽ “đánh lừa” da rằng đã đủ bã nhờn rồi. Lỗ chân lông ngây thơ vì vậy sẽ ngừng tiết nhờn, và da sẽ có độ ẩm lý tưởng, không thừa, không thiếu. Vậy là đến cả thao tác “thoa dầu lên mặt” cũng lại khiến da “dễ thở” hơn, cải thiện lỗ chân lông, đúng là bao nhiêu chuyện phi lý trên đời đều có thể tìm thấy trong bộ môn nghệ thuật dưỡng da này hết!
Vấn đề cân bằng pH có thể hiểu sơ sơ như vậy á (đọc không nhập tâm là không hiểu được đâu mấy bạn). Giờ đến vấn đề “mỹ phẩm nào gây bít tắc lỗ chân lông. Vâng, bạn có thể hiểu sơ sơ rằng, mỹ phẩm thoa lên da bạn cũng giống như một tấm khẩu trang cản bụi vậy á, có những loại khẩu trang sẽ khiến bạn thấy rất khó thở, nhưng có những loại khẩu trang lại khiến bạn hít thở hoàn toàn bình thường.
Trong mỹ phẩm, có một khái niệm là “comedogenic” - khả năng gây bít tắc lỗ chân lông. Không phải bất cứ thứ gì bạn thoa lên da cũng có thể gây bít tắc lỗ chân lông. Những nguyên liệu có chỉ số gây bít tắc lỗ chân lông thấp sẽ có kích thước phân tử lớn, và nó sẽ chỉ nằm trên bề mặt da chứ không hề “lọt” được xuống lỗ chân lông, vì vậy không gây bít tắc được. Vậy nên có một số loại kem tuy bạn thoa lên thấy “bết bết, nặng nặng, dính dính”, nhưng kỳ thực nó lại không hề “cản đường thở” của da. Điển hình nhất là các loại kem chống nắng vật lý, có thể ban đầu mới thoa thấy hơi tạo vệt trắng, lâu thấm hơn kem chống nắng hóa học, nhưng các thành phần chống nắng vật lý đều có chỉ số gây bít tắc lỗ chân lông rất thấp, tụi nó cứ nằm trên bề mặt da thôi mà, có thấm vô lỗ chân lông đâu mà lo!
Danh sách các thành phần có chỉ số comedogenic thấp khá là dài, khi đi mua mỹ phẩm bạn khó có thể dò từng loại được. Nhưng nhìn chung thì bạn có thể ưu tiên các sản phẩm có chữ “non-comedogenic”, hoặc thiết thực nhất là dùng thử trong một thời gian ngắn coi phản ứng của da. Khi đã chọn được sản phẩm không gây bít tắc lỗ chân lông, thì không chỉ kem dưỡng hay kem chống nắng, mà đến cả việc trang điểm bạn cũng có thể tận hưởng 365 ngày một năm mà không hề sợ da ngộp thở, miễn là đến tối tẩy trang rửa mặt đàng hoàng là được. Không ít trường hợp cứ để mặt mộc thì da rất xấu, nhưng đến khi chăm chỉ thoa kem chống nắng và trang điểm mỗi ngày thì da lại cải thiện, mịn màng ít mụn hơn vì da được tạo một lớp màng bảo vệ cản bụi hữu hiệu mỗi khi ra đường.
Vậy có trường hợp nào mà bắt buộc phải “buông bỏ” hoàn toàn mỹ phẩm cho da hồi phục lại bình thường hay không? Có lẽ chỉ là khi da bỗng dưng nổi mụn, kích ứng bất thường, mà bạn chưa thể xác định được thủ phạm là do sản phẩm nào trong quy trình của mình. Khi đó hãy tạm ngừng dùng mỹ phẩm, chờ coi da có ngưng các triệu chứng tiêu cực không, rồi từ từ sử dụng lại từng sản phẩm một để tìm hiểu coi nguyên nhân nằm ở đứa nào.
Nói chung, bạn muốn cho da thở thì phải cung cấp dưỡng chất cho nó thở nha. Ăn no thì mới sống được chứ, và cần phải ăn đều đặn mỗi ngày. Nhiều người cứ nghĩ không bôi gì lên da thì nó mới thông thoáng, nhưng suy nghĩ đó là sai lầm. Chính những lúc bỏ mặc làn da là lúc khiến da khô, dẫn đến lão hóa nhanh, làm cho mọi nỗ lực chăm sóc da của chúng ta phần nào đó trở nên vô ích, kém hiệu quả.
Tóm lại thì, mỹ phẩm trang điểm có thể chỉ là “quần áo” của da, nhưng mỹ phẩm dưỡng da, chăm sóc da thì chính là “cơm ăn, nước uống” của làn da. Da có thể “khỏa thân”, không mặc “quần áo” cho thoáng mát dễ thở, chứ “nhịn cơm, nhịn nước” thì không thể khiến cho da khỏe hơn đâu nha. Miễn là bạn biết chọn cho làn da mình những món “thực phẩm” sạch, an toàn, sử dụng đúng quy trình, làm sạch đúng cách, bôi đúng liều lượng, thì sẽ không bao giờ sợ da ngộp thở.
Nguồn: Bam Bi
Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?
Dưỡng tóc mùa hanh khô với dầu squalane
Nếu bạn vẫn đang loay hoay tìm một công thức dầu dưỡng ẩm mượt nhưng không bết nặng tóc, thì hãy tham khảo dầu squalane.
-
Hết Đau Rát Cổ Họng Trong 7 Ngày Với Hũ Thần Kỳ Này!
-
Son dưỡng có màu, khéo léo giao thoa giữa dưỡng chất từ thiên nhiên và sắc màu nữ tính