Mỹ phẩm thiên nhiên – Tiêu chuẩn của riêng mỗi người
Admin
17/11/2021 14:03:00
Chính bản thân mỗi người tiêu dùng hãy tự đề ra khái niệm thiên nhiên của riêng mình, tự lên một tiêu chí cụ thể để xác định một món mỹ phẩm có phải là mỹ phẩm thiên nhiên hay không.
Mấy năm gần đây, chắc đi đâu mọi người cũng thấy rộ lên cụm từ Mỹ Phẩm Thiên Nhiên, quá trời quá đất là Mỹ Phẩm Thiên Nhiên. Thậm chí đến mấy bạn kem tẩy trắng lột da cũng chưng danh hiệu mỹ phẩm thiên nhiên, mấy bạn handmade cũng treo biển Mỹ phẩm thiên nhiên luôn... Nhưng thế nào là Mỹ Phẩm Thiên Nhiên? Thực ra thì không có một định nghĩa cụ thể cho khái niệm “mỹ phẩm thiên nhiên”. Có những người đi mua mỹ phẩm, cứ thấy trên bao bì in hình hoa lá cỏ cây là gật đầu cái rụp tin rằng mình đã mua được mỹ phẩm thiên nhiên. Có người thì quan niệm rằng mỹ phẩm cứ phải là đồ handmade thì mới là hàng thiên nhiên 100%. Vậy thế nào là đúng và thế nào là sai?
Câu chuyện tranh cãi sẽ chẳng bao giờ đi tới hồi kết được, vì cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài, không có bất cứ TIÊU CHUẨN PHÁP LÝ nào cho “mỹ phẩm thiên nhiên”. Nói trắng ra, nó là một khái niệm “tự phong” – có thể nhiều người trong ngành mỹ phẩm biết điều này nhưng ít ai muốn mở lời công nhận công khai. Những người sành sỏi về mỹ phẩm có thể biết tới một khái niệm cao cấp hơn mỹ phẩm thiên nhiên, đó là mỹ phẩm hữu cơ. Để phân biệt đâu là mỹ phẩm hữu cơ thì còn có thể dựa vào các dấu chứng nhận trên bao bì sản phẩm, ví dụ được một số tổ chức như USDA, Ecocert v.v... chứng nhận là sản phẩm này đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Còn không có tổ chức nào chứng nhận mỹ phẩm có thiên nhiên hay không thiên nhiên.
So sánh cho dễ hiểu thì: Mỹ phẩm hữu cơ giống như “hoa hậu”, muốn được gọi là hoa hậu phải thắng giải một cuộc thi nào đó; còn mỹ phẩm thiên nhiên thì giống như “người đẹp”, cứ tự thấy mình đẹp thì tự gọi mình là người đẹp, vậy thôi! Rồi, vậy là cuộc tranh cãi bắt đầu nổ ra từ đó! Bản thân cái “đẹp” nó là một cảm nhận rất chủ quan, người khác thấy nó đẹp nhưng bạn nhìn nó thấy ghê.
Tương tự, cái “thiên nhiên” cũng như vậy:
- Đối với bạn sáp ong vẫn là thiên nhiên, nhưng đối với người khác thì nó lại “phi thiên nhiên”.
- Đối với một số người, cỏ cây hoa lá thì là thiên nhiên, nên mỹ phẩm làm từ cỏ cây hoa lá mới là mỹ phẩm thiên nhiên.
- Đối với một số người khác, thì nước, rồi những quặng khoáng sản, dầu mỏ cũng được khai thác từ thiên nhiên mà ra, vậy thì mỹ phẩm chỉ cần chứa nước, rồi dầu khoáng, thậm chí nếu có chứa “kim loại nặng” thì cũng là mỹ phẩm thiên nhiên cơ mà?
Vậy thì, tốt nhất là, chính bản thân mỗi người tiêu dùng hãy tự đề ra khái niệm thiên nhiên của riêng mình, tự lên một tiêu chí cụ thể để xác định một món mỹ phẩm có phải là mỹ phẩm thiên nhiên hay không. Nó cũng giống như việc bạn tự ra tiêu chí “người đẹp” là phải mũi S-line, cằm V-line, miệng O-line, tóc dài, da trắng, môi đỏ, ánh mắt hình trái tim... Nếu “hoa hậu” nào không đủ mấy tiêu chuẩn đó thì cũng không xứng đáng là “người đẹp” trong mắt của bạn.
(Ảnh: everydayhealth)
Bạn có thể dựa vào gợi ý một số câu hỏi tiêu chí dưới đây để tự lên một khung tiêu chuẩn về mỹ phẩm thiên nhiên cho riêng mình:
1. Tiêu chí đầu tiên thường là về thành phần, nguyên liệu, vậy bạn hãy xác định coi nguyên liệu thế nào được tính là “thiên nhiên”:
- Nước (Aqua) sẽ là một ngoại lệ? Dù có chứa 90% thành phần là nước thì cũng chưa chắc là mỹ phẩm thiên nhiên?
- Mỹ phẩm phải bắt buộc chứa thành phần 100% từ thực vật mới là mỹ phẩm thiên nhiên, hay chấp nhận cả các nguồn gốc khác?
- Các thành phần có nguồn gốc từ dầu mỏ (mineral oil, petroleum jelly v.v...) có được tính là thiên nhiên không? Hoặc nó ở mức dưới bao nhiêu % thì chấp nhận được?
2. Tiêu chí tiếp theo là về cách thức sản xuất:
- Có một số người luôn ưu tiên dùng mỹ phẩm handmade, vì nó hạn chế sự can thiệp của máy móc, từ đó giảm khí thải đến môi trường và thân thiên với thiên nhiên, có ích cho xã hội. Tuy nhiên, nếu chọn sử dụng hàng sản xuất Handmade trong nước thì bạn phải rất cẩn trọng, vì hiện các ngành chức năng chưa có một quy định đủ chặt chẽ với tiêu chuẩn mỹ phẩm handmade, nên chất lượng sản phẩm chưa được đảm bảo. Mỹ phẩm handmade của nước ngoài được quản lý chặt chẽ hơn, nhưng không phải thương hiệu nào cũng được nhập khẩu chính ngạch vào nước ta, từ đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
- Mỹ phẩm dù “không phải handmade” thì cũng cần có những tiêu chí nào mới được coi là thiên nhiên? Ví dụ chỉ được sản xuất bằng những công đoạn cơ bản nhất, giảm thiểu tác động của máy móc? Nhà máy sản xuất càng nhỏ càng tốt hay càng to càng tốt? Sản xuất đại trà hàng trăm nghìn hộp kem mỗi ngày hay chỉ sản xuất với số lượng nhỏ để kiểm soát chất lượng?
3. Những thành phần mà bạn không bao giờ chấp nhận trong một sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên là gì?
- Trước hết phải lên danh sách những thành phần gây dị ứng, kích ứng với cơ địa của bạn, ví dụ mật ong, đậu phộng, hay vừng, dừa v.v... dù chúng có “thiên nhiên” đến đâu thì cũng không được bạn chấp nhận.
- Tất nhiên những chất độc hại bị cấm hoàn toàn trong mỹ phẩm như corticoid, formaldehyde v.v... sẽ không được phép có mặt trong mỹ phẩm, cái này thì dù thiên nhiên hay không thiên nhiên cũng vậy thôi. Nếu chọn mỹ phẩm đã được phép lưu hành công khai trên thị trường thì có thể bạn không phải lo lắng về mấy thành phần này.
- Tiếp theo là một loạt những thành phần “gây tranh cãi”, ví dụ như cồn, paraben, muối nhôm v.v... “Gây tranh cãi” nghĩa là nó không có một kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, không bị cấm, có nghiên cứu cho rằng nó có hại nhưng cũng có nghiên cứu cho rằng nó vô hại. Vậy bạn hãy tự lên danh sách theo quan điểm của riêng mình, ví dụ bạn chấp nhận dùng mỹ phẩm chứa paraben, nhưng không được chứa cồn, hoặc cụ thể hơn là được chứa những loại cồn nào, không chứa những loại cồn nào v.v...
- Có chất bảo quản hay không có chất bảo quản? Mỹ phẩm không chứa chất bảo quản thì có thể có hạn sử dụng rất ngắn, hoặc bắt buộc phải bảo quản trong tủ lạnh, nếu bạn chấp nhận điều đó, có thể đề ra tiêu chí “hoàn toàn không chứa chất bảo quản”. Còn nếu bạn là một người bận rộn, cần có những món mỹ phẩm đồng hành mọi lúc mọi nơi, thì nên ra một danh sách cụ thể xem chất bảo quản nào mình chấp nhận, chất bảo quản nào mình không chấp nhận.
- Một số thành phần khác: hương liệu (fragrance), silicon, talc v.v... Bạn chấp nhận cái nào và không chấp nhận cái nào?
(Ảnh: bimore)
4. Cuối cùng là một số tiêu chí khác liên quan đến vấn đề đạo đức, thường là vấn đề “mỹ phẩm thiên nhiên thì cũng phải thân thiện với thiên nhiên”:
- Mỹ phẩm có chứa thành phần từ động vật hay không? Có thử nghiệm trên động vật hay không?
- Cùng là thành phần từ thực vật, nhưng nó đến từ việc trồng trọt bền vững, tạo công ăn việc làm cho người nông dân, hay là lại gây ra tình trạng khai thác tận diệt, phá rừng?
- Nó có chứa thành phần tuy không có hại cho người dùng, nhưng lại có hại cho môi trường hay không? Trường hợp điển hình của câu hỏi này là “hạt vi nhựa” - một thành phần tẩy tế bào chết không có hại cho da, nhưng rất có hại cho môi trường.
- Bao bì túi xách mỹ phẩm có thân thiện với môi trường không? Có dễ phân hủy hoặc dễ tái chế hay không?
Dựa vào những gợi ý này, bạn có thể nhận ra rằng, tiêu chuẩn “mỹ phẩm thiên nhiên” của bạn khác hoàn toàn với tiêu chuẩn của những cô bạn đồng nghiệp. Điều đó là hoàn toàn bình thường. Bạn cũng sẽ không phải băn khoăn khi nhìn thấy một cửa hàng mỹ phẩm thiên nhiên mà không biết bên trong có bán đồ thiên nhiên thật hay không.
Tất cả những hãng mỹ phẩm thiên nhiên uy tín đều có tiêu chí riêng của họ để khẳng định thương hiệu của họ là Mỹ Phẩm Thiên Nhiên. Tiêu chí của họ là gì mình không dám khẳng định dùm họ, còn với mình, mình có tiêu chí riêng và nỗ lực cho những mục tiêu đó để khẳng định thương hiệu Mỹ phẩm xanh Bimore là Mỹ phẩm thiên nhiên an toàn.
Nguồn: Thu Lành Nguyễn
Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?
Dưỡng tóc mùa hanh khô với dầu squalane
Nếu bạn vẫn đang loay hoay tìm một công thức dầu dưỡng ẩm mượt nhưng không bết nặng tóc, thì hãy tham khảo dầu squalane.
-
Hết Đau Rát Cổ Họng Trong 7 Ngày Với Hũ Thần Kỳ Này!
-
Son dưỡng có màu, khéo léo giao thoa giữa dưỡng chất từ thiên nhiên và sắc màu nữ tính