Bao bì nhôm: Hướng đi mới của các thương hiệu bền vững
Admin
15/01/2024 09:32:00
Nhôm còn có ưu điểm là nhẹ. Do đó năng lượng để vận chuyển các sản phẩm bao bì nhôm sẽ tạo ít tác động tiêu cực đến môi trường hơn.
Còn nhớ cách đây vài năm, thị trường mỹ phẩm đã phải “mắt chữ A mồm chữ O” với hệ thống bao bì bằng giấy lót một lớp nylon rất mỏng của thương hiệu Seed Phytonutrients. Những tưởng đó đã là lựa chọn thân thiện nhất với môi trường rồi. Nhưng, đến tháng 10/2021, thương hiệu này đã chuyển qua sử dụng bao bì nhôm. Động thái này khiến các tín đồ mỹ phẩm nói riêng và những người yêu môi trường phần nào ngỡ ngàng: thì ra nhôm lại thân thiện với môi trường hơn cả giấy?
(Ảnh: glossybox)
Tất nhiên, nếu so sánh thì bao bì giấy vẫn luôn có nhiều ưu điểm đối với môi trường. Nhưng, riêng với ngành mỹ phẩm, giấy vẫn còn nhiều khuyết điểm, đặc biệt là với các sản phẩm tắm gội, thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ẩm ướt. Đó là lý do mà Seed Phytonutrients vẫn cần dùng tới một lớp lót nylon bên trong các bao bì giấy của mình. Vậy lý do gì khiến thương hiệu này chuyển hẳn qua bao bì nhôm? Nhôm ít khi được nhắc đến trong những câu chuyện về tái chế, nhưng thực tế đây lại là một trong những chất liệu dễ tái chế nhất.
Theo thống kê, 75% lượng nhôm từng được sản xuất trong quá khứ hiện vẫn đang được lưu hành trong các sản phẩm ngày nay. Nói cách khác, nếu bạn đang sử dụng một hũ mỹ phẩm bằng nhôm thì rất có thể bao bì đó đã được tái chế từ một vật dụng bằng nhôm từ thời ông bà. Nhôm là chất liệu dễ tính, nên dù tái chế nhiều lần thì nó vẫn giữ được chất lượng tốt, tới nỗi người ta cho rằng có thể tái chế nhôm vô số lần. Ngạc nhiên hơn, quá trình tái chế nhôm sẽ chỉ tốn 5% năng lượng so với sản xuất ra nhôm mới mà thôi.
Nhôm còn có ưu điểm là nhẹ. Do đó năng lượng để vận chuyển các sản phẩm bao bì nhôm sẽ tạo ít tác động tiêu cực đến môi trường hơn. Với người tiêu dùng thì lợi ích trước mắt chính là chi phí vận chuyển giảm đi, mà sản phẩm vẫn bền, không dễ vỡ như thủy tinh. Do đó, không chỉ riêng Seed Phytonutrients, mà nhiều hãng mỹ phẩm, đặc biệt là các hãng chuyên về sản phẩm chăm sóc tóc, thường bán các sản phẩm có dung tích lớn, đã chuyển qua sủng ái các loại chai lọ bằng nhôm.
(Ảnh: meiyume)
Tuy nhiên, không phải tất cả các bao bì bằng chất liệu nhôm đều dễ tái chế. Cụ thể là, các loại tuýp bằng nhôm hiện vẫn khó được tái chế, do chất liệu nhôm ở dạng bao bì này quá mỏng, dễ bị đốt cháy trong quá trình tái chế. Tuýp mỹ phẩm bằng nhôm cũng rất khó làm sạch hoàn toàn lượng sản phẩm còn sót lại bên trong. Do đó, với những thương hiệu thực sự khó tính, họ sẽ chỉ lựa chọn các loại bao bì nhôm dày dặn, đứng dáng, dễ làm sạch, như dạng chai và dạng lọ/hũ.
Quá trình tái chế chai lọ mỹ phẩm đã qua sử dụng ở nước ngoài cũng không dễ dàng như tại Việt Nam. Ở nước ta, các chị em chỉ cần gom lại đống chai lọ đã dùng hết rồi... giao cho các cô ve chai đồng nát là xong. Nhưng ở nước ngoài, họ yêu cầu việc phân loại rất nghiêm ngặt. Dù thân chai có bằng nhôm, nhưng phần nắp đậy, vòi nhấn... bằng nhựa sẽ phải để riêng, thậm chí có nơi còn bắt bạn phải rửa sạch chai lọ và bóc hết nhãn dán bằng giấy. Nhiêu khê phức tạp là vậy, nhưng những hãng Seed Phytonutrients vẫn có cách để khuyến khích khách hàng tỉ mỉ làm theo. Gửi hết đống nắp chai, vòi nhấn khó tái chế về cho các điểm thu gom có khi còn mất phí, nhưng hãng sẽ gửi bù bằng voucher giảm giá và quà tặng.
Hết lòng vì môi trường như vậy, nên thương hiệu này vẫn tiếp tục ghi điểm trong lòng người hâm mộ, dù giá thành không phải là rẻ.
Xem thêm: Điều gì giúp bạn tự tin chọn được mỹ phẩm tốt và lành tính?
Nguồn: Thu Lành Nguyễn
Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?
Công thức mặt nạ ủ môi vô cùng hiệu quả cho mùa đông năm nay
Chỉ với một vài thành phần quen thuộc, bạn có thể tạo ra hũ mặt nạ ủ môi siêu mềm mọng và dưỡng ẩm hiệu quả cho đôi môi trước khi đón Tết.
-
Hết Đau Rát Cổ Họng Trong 7 Ngày Với Hũ Thần Kỳ Này!
-
Son dưỡng có màu, khéo léo giao thoa giữa dưỡng chất từ thiên nhiên và sắc màu nữ tính